Năng lượng Mặt Trời

Solar Energy

Monday, August 22, 2005

Mở mang thị trường bình nước nóng năng lượng mặt trời: Kinh nghiệm từ Trung Quốc đến Việt Nam


Theo báo cáo của Trường Đại học bách khoa Hà Nội tại cuộc hội thảo "Hợp tác Việt Trung về ứng dụng năng lượng mặt trời trong phát triển bền vững", vừa diễn ra trong tháng 8 tại Hà Nội, tính đến năm 1998, trên thế giới đã lắp đặt khoảng 54 triệu m2 bộ thu của thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Trong đó, Trung Quốc đã lắp đặt khoảng 14 triệu m2, Nhật Bản 12 triệu m2, châu Âu 8 triệu m2... Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất nhiều nhất với sản lượng từ 4 - 4,5 triệu m2/năm, chiếm 55% sản lượng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời của thế giới với trên 500 cơ sở sản xuất loại thiết bị này.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc vượt lên là nước đứng đầu thế giới về sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Nói về kinh nghiệm phát triển thị trường, GS. Tạ Kiến - Phó Giám đốc Sở nghiên cứu năng lượng mặt trời, Trường Đại học sư phạm Vân Nam, Trung Quốc cho rằng: có được thành quả như ngày hôm nay, Trung Quốc đã có lịch sử 30 năm nghiên cứu về năng lượng mặt trời. Ban đầu, cũng như Việt Nam bây giờ, để ứng dụng vào cuộc sống, gặp muôn vàn khó khăn. Các nhà khoa học khi nghiên cứu ra công nghệ mới sẽ không ứng dụng vào cuộc sống nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Các nhà khoa học không thể vừa nghiên cứu khoa học vừa làm thị trường, vì vậy, vai trò của Chính phủ ở đây là làm cầu nối cho doanh nghiệp và nhà khoa học bằng các chính sách để đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Sự giúp đỡ ấy là rất thiết thực. Việc sử dụng nguồn năng lượng tái sinh được Chính phủ Trung Quốc đưa ra thành chiến lược phát triển. Chính phủ có một ban đề ra kế hoạch phải phát triển nguồn năng lượng sạch này vào trong cuộc sống. Vấn đề này được đưa ra trong nhiều cuộc hội thảo quốc tế. Các phương tiện thông tin đại chúng dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời cho nền kinh tế cũng như môi trường, tác động vào nhận thức của người dân. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ cho việc tuyên truyền. Rất nhiều các bộ ngành có liên quan của Trung Quốc đã tham gia trong lĩnh vực này. Bộ nông nghiệp phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ đưa sản phẩm đến vùng sâu, vùng xa bằng cách hỗ trợ về tài chính từ 50 - 60%, chính quyền địa phương hỗ trợ 20%, người dân chỉ bỏ ra 20%. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, sự trợ giúp đến 90%. Bộ Xây dựng đưa ra nguyên tắc phải đưa thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vào bản thiết kế các công trình xây dựng. Đối với doanh nghiệp, khi tham gia cùng với Nhà nước họ được miễn thuế thu nhập. Thuế xuất khẩu cũng được ưu đãi. Do có sự trợ giúp đó của Chính phủ mà sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời được người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng rộng rãi.

Theo ông Vương Bình - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Thiên Hà, Hà Khẩu, Trung Quốc, ban đầu, thiết bị đun nóng sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt ở các cơ quan của Chính phủ, các khách sạn, một số vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc. Sau khi xây dựng xong các mô hình trình diễn, Công ty liền lập ngay ra đại lý ở vùng đó để ngay lập tức có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân về sản phẩm này kèm theo chế độ bảo hành, bảo trì chu đáo. Ngoài ra, Công ty quảng bá cho sản phẩm của mình bằng cách tuyên truyền, quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia vào các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Do vậy, thị phần thiết bị nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời của Công ty ở Trung Quốc khá cao. Gần đây, Công ty đang có chiến lược xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Việt Nam - một thị trường đầy tiềm năng và dồi dào về nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời.

Tại Việt Nam, từ những năm 1980, đã có chương trình Nhà nước về năng lượng mặt trời với sự tham gia của một số trường Đại học, viện nghiên cứu và sở khoa học công nghệ của một số tỉnh trong nước. Nhưng do sản xuất chưa mang tính công nghiệp nên giá thành còn cao và dịch vụ hậu mãi chưa tốt nên chưa thể ứng dụng rộng rãi. Vì vậy, nhiều cơ sở nghiên cứu bị thu hẹp lại hoặc giải tán. Từ năm 1996, nhận thấy tiện ích của việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cho nền kinh tế cũng như môi trường, một số cơ sở trong nước bắt đầu nhập thiết bị này từ nước ngoài về bán tại Việt Nam nhưng còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Thậm chí có doanh nghiệp còn nhập các thiết bị chất lượng kém về bán mà không qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Qua một thời gian sử dụng, những thiết bị này bị xuống cấp và hư hỏng nhưng không ai sửa chữa. Đến nay cả nước mới chỉ lắp đặt được khoảng 4000 m2. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta còn yếu. Việc phát triển hiện nay hoàn toàn tự phát, chưa có định hướng và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Vì vậy, nó cũng đã làm nản lòng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điều đó không phải là tất cả, vì vẫn còn có những doanh nghiệp rất tâm huyết hoạt động trong lĩnh vực này. Chị Trịnh Thị Thuỷ - Giám đốc Công ty đầu tư - phát triển năng lượng mới Việt Nam cho biết: Hiện nay công ty của chị đang cung cấp bình nước nóng năng lượng mặt trời thương hiệu SUONENG (Trung Quốc). Đây là là một thương hiệu đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam). Chị biết, kinh doanh trong một lĩnh vực mới là rất khó khăn, nhưng ước mơ tìm ra một nguồn năng lượng sạch thay thế khi các nguồn năng lượng khác sẽ cạn kiệt đã thôi thúc chị quyết tâm theo đuổi nó. Để khắc phục những khiếm khuyết trong việc phát triển thị trường mà các cơ sở đi trước đã mắc phải, hiện nay Công ty có một đội ngũ thợ kỹ thuật được đào tạo bài bản bởi những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc, cùng chế độ bảo hành, bảo trì chu đáo, giá cả phù hợp nên được khách hàng tín nhiệm. Vì vậy, mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2004, song Công ty đã lắp đặt được hơn 300m2 thiết bị, tương đương với 21.000 lít nước nóng.

Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan. Để làm thay đổi nhận thức của người dân về một lĩnh vực mới không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải có một quá trình. Hơn nữa, cần phải có sự vào cuộc thực sự từ phía Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực này.

(Nguồn: KHCN)

Nghiên cứu, sản xuất thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời ở Việt Nam - Bao giờ cho đến...

Sau cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới năm 1973, nhiều nước trên thế giới đã quyết định tìm đến những chương trình nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó lĩnh vực năng lượng mặt trời đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có thể nói, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch và gần như vô tận.

Trong các thành tựu ứng dụng năng lượng mặt trời vào cuộc sống, thì các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời hiện nay đang được phát triển vô cùng mạnh mẽ trên thế giới. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm, một mét vuông thiết bị đun nước nóng mặt trời có thể tiết kiệm từ khoảng 500 - 900 kWh, tuỳ theo vùng khí hậu và hiệu suất thiết bị. Như vậy, tính trung bình, một mét vuông mỗi năm giảm được khoảng 150 kg khí thải C02 so với dùng than đá, dầu hoả hay khí đốt. Khí thải CO2 là loại khí chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính, làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên. Do đó, dùng thiết bị đun nước nóng mặt trời không những tiết kiệm năng lượng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỷ lệ người lắp đặt hệ thống thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời trên thế giới ngày càng cao. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Israel, Sip, Australia là những nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ này.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời được bắt đầu từ những năm 1980, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 1996, bắt đầu có thêm một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhập thiết bị đun nước nóng mặt trời của nước ngoài về bán tại Việt Nam như: Nhà máy đại tu ô tô số 1 - Bộ Nội vụ nhập thiết bị của Israel. Công ty Cơ điện lạnh Thành phố Hồ Chí Minh nhập thiết bị của australia, Cơ sở Nhật Năng (Hà Nội) nhập thiết bị của Trung Quốc... Đến năm 2000, số cơ sở nhập thiết bị tăng lên và cho tới năm 2002 bắt đầu có một số cơ sở nhập dây chuyền công nghệ để sản xuất ở trong nước như Công ty Quán Quân ở Thành phố Hồ Chí Minh và một vài cơ sở khác ở phía Bắc. Nhà máy nhôm Hà Nội cũng tự sản xuất thiết bị này. Hiện nay, có trên 10 cơ sở kinh doanh hoặc sản xuất thiết bị này ở Việt Nam, nhưng số lượng rất hạn chế. Ước tính, đến nay ở Việt Nam, tổng diện tích lắp đặt khoảng 4000m2, giá bán từ 120 - 150 USD cả công lắp đặt. Đầu tiên là một số cơ sở gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Năng lượng thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam... tham gia đào tạo và nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ còn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là vẫn duy trì được. Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng.

Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất loại thiết bị này, và đã đưa ra một số mẫu thiết bị đun nước nóng mặt trời phù hợp với điều kiện kinh tế ở Việt Nam. Trung tâm cũng đã lắp đặt được hàng trăm thiết bị đun nước nóng mặt trời với dung tích từ 120, 200, 300 lít đến hàng nghìn lít cho các hộ gia đình cũng như khách sạn tại Hà Nội và một số địa phương trong nước. Thiết bị đun nước nóng mặt trời của Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu inox, độ bền cao, bảo hành 5 năm, nhưng giá tương đương với thiết bị cùng loại của Trung Quốc chế tạo bằng nhóm hoặc ống thuỷ tinh, Trung tâm có một đội ngũ chuyên gia đã nghiên cứu nhiều năm về vấn đề này, nên có kinh nghiệm tư vấn về kỹ thuật lắp đặt thiết bị mặt trời trong các điều kiện khác nhau của công trình, bố trí hệ thống cấp nước nóng trong nhà một cách hợp lý, thuận tiện và kinh tế nhất cho người sử dụng. Do đó, thiết bị của Trung tâm đang rất có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Trung tâm hiện nay rất hạn chế, nếu được đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ hoặc liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất với quy mô lớn, chắc chắn sẽ giảm được giá thành hơn nữa và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người sử dụng, góp phần tiết kiệm năng lượng cho đất nước và bảo vệ môi trường. Với tiềm năng hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu, chế tạo thiết bị đun nước nóng bằng mặt trời với chất lượng không thua kém hàng ngoại. Việc tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam chất lượng cao sẽ hạn chế được nhập khẩu thiết bị nước ngoài. Ngoài ra việc mở rộng sản xuất tại nhiều địa phương trong nước sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân và các doanh nghiệp. Đây cũng là một hướng phát triển cần được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ.

(Nguồn: KHCN)

Thiết bị nấu nước nóng bằng năng lượng mặt trời giá rẻ

Đề tài hoàn thiện và triển khai thiết bị cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời theo kiểu ống trụ đứng, do PGS.TS Lê Chí Hiệp (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) chủ trì thực hiện vừa cho ra một loại thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời mới với giá thành chỉ 1.963.000 đồng (dung tích 200 lít). Thiết bị vừa túi tiền của đông đảo người dân.

Bình nước nóng năng lượng mặt trời kiểu trụ đứng

Việc triển khai sử dụng thiết bị cung cấp nước nóng dùng năng lượng mặt trời (NNMT) ở quy mô rộng sẽ đem đến nhiều lợi ích, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng điện và an toàn. Tuy nhiên, một trong những trở ngại rất cơ bản chính là giá thành của các thiết bị NNMT còn khá cao. Thí dụ, với hệ thống NNMT có dung tích 300 lít của hãng Solahart (Australia), giá bán đến tay người tiêu dùng vào khoảng 1.750 USD. Còn các hệ thống có tính năng kỹ thuật thấp hơn và tính sẵn sàng cũng kém hơn, giá thành vào khoảng 8 triệu đồng cho một hệ thống có dung tích chứa nước khoảng 180 lít (Collector nhập từ Đức).

Lâu nay mục đích của những người chế tạo thiết bị NNMT chỉ muốn phục vụ dân cư vùng không có điện hoặc nhằm tiết giảm sử dụng điện chi phí cao. Họ không hề có ý định kinh doanh, chỉ tính giá thành trên cơ sở những chi phí thật (không tính lãi), nhưng vẫn ít người chịu bỏ tiền lắp đặt loại thiết bị này. Cái lợi của sử dụng thiết bị NNMT ai cũng thấy, cũng hiểu được vấn đề góp phần bảo vệ môi trường và tham gia tiết kiệm điện, thế nhưng đó là cái lợi mang tính vĩ mô, tính xã hội và cộng đồng.

Còn dưới góc độ hạn hẹp trong phạm vi mỗi gia đình, do ảnh hưởng của lợi ích và tiện nghi mang tính cá nhân, quan điểm lựa chọn hoàn toàn khác hẳn. Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều những thiết bị đun nước rẻ tiền bằng điện và chính sự bao cấp về giá điện là những nguyên nhân cơ bản hạn chế sự phát triển của việc sử dụng thiết bị NNMT. Bởi vậy cần phải có những thiết bị cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời với giá thật rẻ, và như vậy chắc chắn số đông những người có mức thu nhập vừa phải sẽ đón nhận sản phẩm. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, mà rộng lớn hơn, còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội.

"Nấu buổi chiều, tắm buổi sáng vẫn nóng

Bên trong của thiết bị NNMT là một ống hình trụ bằng composite với mặt trong phẳng và mặt ngoài có dạng gợn sóng, ống composite này được đặt vừa khít vào bên trong một vỏ hình trụ bằng inox sơn đen, vỏ inox lại được bọc bên ngoài bằng một ống hình trụ làm bằng mica. Kết cấu này nhằm đạt đến những mục đích: tạo các rãnh đối lưu nước ở khoảng trống giữa rãnh gợn sóng của ống trụ bằng composite và vỏ inox; bên cạnh mục đích tạo rãnh đối lưu, ống composite còn có hai nhiệm vụ quan trọng khác là cách nhiệt và giúp gia tăng độ cứng của vỏ inox; vỏ mica được sử dụng để tạo ra hiệu ứng nhà kính và đồng thời góp phần hạn chế tổn thất nhiệt ra môi trường.

Kết cấu đã trình bày ở trên hoàn toàn khác với các kết cấu thường gặp trong các thiết bị cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời hiện có. Ưu điểm của kết cấu này là: có thể chế tạo toàn bộ ở trong nước, không cần công nghệ cao và đầu tư lớn; giá thành rẻ, phù hợp với mức thu nhập khiêm tốn của các hộ thu nhập vừa phải, tuổi thọ tương đối cao; gọn nhẹ, ít chiếm diện tích và dễ lắp đặt; có thể hoạt động thích hợp với nguồn nước có chất lượng chưa đủ cao như hiện nay, không cần bảo trì thường xuyên vì đã giảm rất nhiều khả năng bị nghẹt.

Nếu sử dụng nước mới, nhiệt độ cao nhất có thể đạt được vào khoảng 510C-520C (nước mới là nước ở điều kiện cân bằng nhiệt với môi trường chung quanh vào đầu mỗi buổi sáng). Nếu sử dụng nước cũ, nhiệt độ cao nhất có thể đạt được vào khoảng 590C-600C (nước cũ là nước nóng được lưu giữ trong bình từ cuối buổi chiều hôm trước cho đến đầu buổi sáng hôm sau). Giả sử nước nóng được lưu giữ ở trong bình cho đến sáng hôm sau, các kết quả đo đạc cho thấy nhiệt độ nước trong bình vẫn còn cao hơn nhiệt độ nước bên ngoài khoảng 80C - 90C. Vào những ngày u ám, trời không nắng, các thí nghiệm cho thấy nhiệt độ nước trong bình vẫn có thể cao hơn nhiệt độ nước bên ngoài khoảng 80C-120C. Điều này cho thấy vẫn có thể sử dụng nước này để tắm vào mỗi buổi sáng. Còn xét ở góc độ tiêu hao năng lượng thì nếu so với các thiết bị đun nước bằng điện, việc sử dụng bình nước nóng mặt trời theo kiểu ống trụ đứng sẽ giúp tiết kiệm một lượng điện là: 1.356,17 kWh/năm.

Từ con số đã nêu ở trên, có thể thấy việc ứng dụng các thiết bị cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời nói chung hoặc bằng thiết bị kiểu ống trụ đứng nói riêng, giúp tiết kiệm cho xã hội một lượng điện năng đáng kể nếu được triển khai sử dụng rộng rãi. Một ưu điểm khác cũng nên được nhắc lại, việc sử dụng các thiết bị cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời sẽ góp phần bảo vệ môi trường và là phương án an toàn nhất cho người sử dụng.

(Nguồn: VnExpress)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home