Năng lượng Mặt Trời

Solar Energy

Monday, August 22, 2005

Năng lượng mặt trời mảng thị trường còn bỏ ngỏ


Khi cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu bình ổn, nhiều quốc gia đã ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời (NLMT). Việt Nam là nước rất có tiềm năng về NLMT, nhưng ứng dụng lại rất hạn chế.

Không chuyển giao được vì... thiếu kinh phí

Việt Nam có bức xạ mặt trời vào loại cao trên thế giới, với số giờ nắng dao động từ 1600-2600 giờ/năm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Trong giai đoạn 1980-1990, chúng ta đã có Chương trình nhà nước về Năng lượng tái tạo. Trong đó, NLMT được chú ý nhiều nhất với các đề tài về pin mặt trời (PMT), sấy, làm lạnh, chưng cất nước và đun nước nóng. Các đề tài đã được nghiệm thu cấp Nhà nước, phần lớn được đánh giá tốt. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, đa số chỉ dừng ở mẫu thí nghiệm hoặc sản xuất quy mô nhỏ, chưa được chuyển giao công nghệ để sản xuất quy mô công nghiệp.

Từ năm 1991 đến nay, hoạt động trong lĩnh vực NLMT bị trầm xuống vì không còn có đề tài nghiên cứu. Thấy rõ nhất là việc sử dụng NLMT để đun nước nóng và làm nguồn điện sinh hoạt hiện chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Cả nước hiện chỉ có trên 10 cơ sở kinh doanh hoặc sản xuất thiết bị đun nước nóng với tổng diện tích đã lắp đặt khoảng 4000m2. Ngoài ra, Việt Nam đã lắp đặt khoảng 800 kW hệ thống pin mặt trời, chia làm 3 thị phần: chuyên dụng (50%), dùng cho cơ quan, bệnh viện, trung tâm dân cư và trạm nạp ác quy (30%) và các hộ gia đình (20%).

Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm 1m2 thiết bị đun nước nóng bằng NLMT có thể tiết kiệm năng lượng được từ khoảng 500-900 kWh tùy theo vùng khí hậu và hiệu suất thiết bị. Như vậy, trung bình 1m2 mỗi năm giảm được khoảng 150kg khí thải CO2 so với dùng than đá, dầu hỏa hay khí đốt. Điện NLMT có lợi thế cung cấp cho các hộ gia đình, khu vực dân cư nông thôn biệt lập mà truyền tải lưới điện quốc gia rất tốn kém. Cho dù chương trình phát triển mở rộng lưới điện được thực hiện khẩn trương thì đến năm 2010 nước ta vẫn còn khoảng 1100 xã, làng vùng sâu, vùng xa và miền núi với 500.000 hộ gia đình (khoảng 3 triệu dân) được ngành điện xác định là lưới điện chưa thể kéo tới được. Cũng có khoảng 500.000 hộ khác trong các xã có điện vẫn được xem là không thể có điện vì chi phí đầu tư cao. Rõ ràng với những tính toán ấy, việc sử dụng NLMT và các nguồn năng lượng khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân là việc làm cần được tính đến.

Tăng tốc bằng cách nào?

Nước ta đang triển khai chương trình hành động năng lượng mới và tái tạo với tổng kinh phí khoảng 400 triệu USD tính đến năm 2010. Ngoài ra, ủy ban Dân tộc của Chính phủ cũng đang làm chủ đầu tư dự án cung cấp điện bằng các hệ thống PMT cho 300 trung tâm xã thuộc các khu vực miền núi đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 30 triệu USD. Đây là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy nhanh hơn nữa quá trình đưa nguồn năng lượng sạch này vào cuộc sống.

Tại hội thảo về vấn đề sử dụng NLMT mới đây, Viện trưởng Viện Năng lượng Phạm Khánh Toàn đặc biệt chú ý đến chính sách phát triển thiết bị đun nước nóng và cung cấp nguồn điện. Ông cho rằng với giá điện như hiện nay, sử dụng các thiết bị đun nước nóng bằng mặt trời có thể cạnh tranh và có lãi. Vì thế, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thiết bị đun nước nóng bằng NLMT, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu, khảo sát thị trường, đánh giá hiệu quả kinh tế, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng.

Với PMT, khó khăn lớn nhất là giá thành còn quá cao so với khả năng tài chính của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Để thiết bị này đến được với người dân thì sự hỗ trợ của Nhà nước có tính quyết định. Ông Toàn cho biết thêm: Các tấm PMT hiện sử dụng ở ta đều được nhập từ nước ngoài, chất lượng tốt và hoạt động ổn định. Song các thiết bị phụ trợ như bộ điều khiển, ác qui... do trôi nổi từ nhiều nguồn nên chất lượng chưa cao, trong khi các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa ở các địa phương chưa được chú trọng. Vì vậy, sự hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế tiêu chuẩn phù hợp cho các thiết bị, xây dựng cơ chế buộc thực hiện đối với các dịch vụ điện mặt trời, bảo đảm tính an toàn và độ tin cậy nên sớm được cơ quan chức năng ban hành. Ngoài cơ chế hỗ trợ tài chính, Nhà nước cũng nên xem xét đưa ra quy chế về sự phối hợp giữa Bộ Công nghiệp, Tổng Cty Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh và các nhà đầu tư vào các dự án điện mặt trời để khai thác chúng hiệu quả nhất.

Sử dụng NLMT mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, góp phần bảo tồn nguồn năng lượng truyền thống, bảo vệ môi trường và thực hiện điện khí hóa nông thôn, vùng sâu, vùng xa là việc làm cần thiết. Vì thế Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tích cực cho các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cũng như người sử dụng các công nghệ NLMT.

(Nguồn: HNM)

Năng lượng mặt trời mảng thị trường còn bỏ ngỏ
Năng lượng mặt trời

Trong khi các dạng năng lượng truyền thông đang ngày một cạn kiệt, thì ánh sáng mặt trời được coi là một trong những kho năng lượng quý giá có thể thay thế được.

So với các dạng năng lượng khác, năng lượng mặt trời có ưu thế hơn là vừa sạch, vừa rẻ, lại gần như vô tận. Bởi thế, nó đã sớm được con người nghĩ đến và tìm cách khai thác, ở nước ta, từ hơn hai mươi năm trở lại đây đã sử dụng nhiều loại thiết bị thu hứng sánh sáng mặt trời để phục vụ cho quá trình sản xuất như: thiết bị sấy, thiết bị đun nước nóng, thiết bị chưng cất và dàn pin mặt trời. Các thiết bị này nhìn chung phù hợp với điều kiện khí hậu và đặc điểm địa lý nước ta. Thiết bị sấy dùng để làm khô các loại nông sản, hải sản hoặc dược liệu; thiết bị đun nóng được lắp đặt tại các trường học, bệnh viện hay tại các hộ gia đình để lấy nước nóng sử dụng trong mùa đông; thiết bị chưng cất nước được ứng dụng nhằm cung cấp nước ngọt cho người dân vùng biển, vùng nước chua phèn, cho bộ đội ngoài hải đảo hoặc dùng trong công nghiệp tráng gương và sản xuất ắc quy. Còn dàn pin mặt trời thì được sử dụng để cung cấp điện sinh hoạt cho các hộ dân cư ở những vùng chưa có điều kiện đưa lưới điện quốc gia đến như: vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...

Tính đến cuối năm 1999, trên cả nước lắp đặt được khoảng 70 thiết bị sấy, 70 thiết bị đun nóng, 600 dàn pin và hàng loạt thiết bị chưng cất nước tại nhiều khu vực. Những thiết bị này hàng năm đã tạo ra một lượng điện năng đáng kể từ ánh sáng mặt trời cung cấp cho người dân, đồng thời tiết kiệm được cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là những con số đáng mừng, bởi có một thực tế là hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở nước ta vẫn còn rất manh mún và kém hiệu quả. Qua hơn hai thập kỷ, phần lớn các thiết bị do chúng ta sản xuất vẫn ở trong tình trạng thủ công và chắp vá. Mặc dù một số cơ quan như Viện Năng lượng. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội... đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm, nhưng cho đến nay, nước ta vẫn chưa tự sản xuất được pin mặt trời. Chúng ta vẫn phải mua loại thiết bị này của các nước như: Mỹ, Italia, Nhật Bản, Đức... Những tấm pin mặt trời được lắp đặt ở một số khu vực từ đầu những năm 90, thế kỷ XX đến nay chủ yếu là từ nguồn vốn của các dự án nước ngoài, hoặc là do Nhà nước đầu tư mua để lắp đặt cho những vùng kinh tế khó khăn. Loại pin mặt trời do nước ngoài sản xuất vừa có tuổi thọ lâu năm, vừa có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt và những tác động của các yếu tố thời tiết. Chỉ cần đầu tư một lần là có thể sử dụng được trong một thời gian dài mà không phải mất tiền để mua điện. Thế nhưng, giá của chúng ta lại đắt (khoảng 11 - 12 USD/Wp), nên để ứng dụng tại khu vực nông thôn, miền núi là điều rất khó. Bởi người nông dân với mức sống và thu nhập thấp, sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đầu tư một khoản tiền lớn để mua sắm các thiết bị điện.

Đối với thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cũng vậy. sản phẩm của chúng ta sản xuất ra có giá rẻ hơn sản phẩm ngoại nhập, nhưng chất lượng lại kém, hay bị rò rỉ và hiệu quả không cao, nên không được người tiêu dùng ưa chuộng. Họ sẵn sàng mua sản phẩm ngoại nhập với giá đắt, nhưng sau 4 - 5 năm họ sẽ được hoàn vốn. Tức là từ đó cho đến khoảng 10 năm nữa họ sẽ được dùng nước nóng "miễn phí", thay vì phải trả tiền để đun bằng điện. Vậy là dù tự sản xuất được thiết bị đun nước nóng, nhưng chúng ta vẫn phải mua loại sản phẩm này của nước ngoài và cho đến nay, chỉ còn lại khoảng 30% lượng thiết bị sản xuất trong nước còn hoạt động.

Việc ứng dụng các sản phẩm khác như: thiết bị chưng cất nước hoặc thiết bị sấy cũng manh mún tương tự như vậy. Các sản phẩm này có mặt trên thị trường rất ít. Để cho hàng của mình bị hàng nước ngoài đánh bại ngay trên "sân nhà" là một bất lợi lớn đối với công tác nghiên cứu, ứng dụng, đặc biệt là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nước ta với vị trí địa lý gần xích đạo, có tổng số giờ năng và cường độ bức xạ nhiệt cao (trung bình xấp xỉ 5 kwh/m2/ngày), được đánh giá là khu vực có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam. Không những thế, theo các nhà chuyên môn thì trong tương lai, nhu cầu sử dụng các thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời ở nước ta là rất lớn, kể cả khu vực thành thị cũng như khu vực nông thôn. Tại khu vực nông thôn, miền núi hay hải đảo - những nơi không có điều kiện đưa mạng điện lưới quốc gia tới, thì việc sử dụng hệ thống pin mặt trời là hoàn toàn hợp lý. Pin mặt trời vừa có thể thay thế cho thuỷ điện nhỏ khi mùa hanh khô, vừa có thể là nguồn năng lượng dự trữ khi điện lưới quốc gia không đủ cung cấp cho người dân. Vậy làm thế nào để khắc phục những mặt khó khăn và tận dụng được những thế mạnh mà chúng ta đang có? câu hỏi trả lời liên quan trực tiếp đến việc ứng dụng các thiết bị đã nói trên đây.

Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận và có giá trị kinh tế rất lớn. Muốn khai thác và sử dụng một cách hiệu quả, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách định hướng và hỗ trợ hợp lý. Bên cạnh việc cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm. Nhà nước cần đỡ đầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào quá trình chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm. Hiện nay, nước ta chỉ mới cói ngành Bưu chính viễn thông và ngành hàng hải là đầu tư, ứng dụng loại thiết bị pin mặt trời. Con số đó là quá nhỏ. Bởi vậy, ngoài chiến lược đầu tư còn phải tích cực tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá thêm về sản phẩm để hình thành thói quen dùng hàng nội với người tiêu dùng, ở địa phương, các sở khoa học và công nghệ cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khác mở các lớp tập huấn cho cán bộ về lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị mỗi khi chúng bị hỏng hóc, đáp ứng nhu cầu của người dân. Có như vậy thì nước ta mới có thể đưa ngành này thành một ngành công nghiệp năng lượng mới, tiến tới trọng điểm trong tương lai.

(Nguồn: KHCN )


0 Comments:

Post a Comment

<< Home