Năng lượng Mặt Trời

Solar Energy

Monday, February 20, 2006

Sử dụng điện mặt trời: Dễ hay khó?

Hộ gia đình ông Trần Đình Cường (Phú Nhuận, TP.HCM) đã lắp đặt và sử dụng thiết bị bình nước nóng năng lượng mặt trời loại 200 lít từ hai tháng nay - Ảnh: Thu Thảo
TT - "Dễ dàng chẳng khác gì sử dụng một cái tivi" - ông Trịnh Quang Dũng, trưởng phòng phát triển điện mặt trời (Phân viện Vật lý TP.HCM), nói về việc sử dụng các sản phẩm và thiết bị từ năng lượng mặt trời hiện nay...

Người dân có thể tự lắp ráp

Để có được hệ thống điện từ năng lượng mặt trời, quan trọng nhất là phải có tấm pin thu nhiệt và chuyển nhiệt thành quang. Hiện nay trong cả nước chưa có cơ sở nào sản xuất tấm pin này mà phần lớn đều được nhập ngoại.

Tại TP.HCM có hai cơ sở bán thiết bị làm điện từ năng lượng mặt trời là Solarlab (Phân viện Vật lý, số 1 Mạc Đĩnh Chi, Q.1) và SEL-CO (công ty của Mỹ, 164 Đề Thám, Q.1). Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ, nhân viên Solarlab, cho biết: một bộ hệ điện mặt trời gồm có tấm pin, bình ăcqui, bộ biến điện và bộ điều khiển.

Điện mặt trời từ các tấm pin sẽ được dẫn xuống và trữ vào hệ thống các bình ăcqui. Từ đây, bộ biến điện sẽ chuyển dòng điện một chiều 24 volt từ ăcqui sang dòng điện xoay chiều 220 volt. Người sử dụng chỉ cần mở bộ điều khiển lên là có thể sử dụng điện mặt trời.

Tại Solarlab, giá bán của một bộ hệ điện mặt trời dao động từ 9 triệu cho đến vài trăm triệu đồng, tùy theo qui mô và công suất điện. Trong đó như bộ có giá thấp nhất (9 triệu đồng) có thể sử dụng thắp sáng bốn bóng đèn và một máy cassette. Đối với những hệ điện có qui mô nhỏ, người mua có thể tự lắp ráp thông qua giấy hướng dẫn mà không cần kỹ thuật viên.

Ngoài việc sử dụng điện sinh hoạt gia đình, các nhà khoa học thuộc Solarlab còn sử dụng điện mặt trời để sạc pin cho xe cấp cứu. Loại xe này đã đưa vào hoạt động tại Đắc Lắc với giá khoảng 10.000 USD/xe.

Điện mặt trời cũng được dùng để chạy máy nổ, sử dụng cho thuyền du lịch ở Hội An và máy bơm nước tại một số hộ ở Đắc Lắc và TP.HCM (có thể bơm nước từ độ sâu 25-30m lên mặt đất).

Đó là chưa kể các loại bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cũng ngày càng trở nên phổ biến và giá thành (do các cơ sở nội địa thiết kế và lắp ráp) cũng có xu hướng giảm còn 1/3 so với trước đây.

Bếp nấu và bình lọc nước: hai trong một

Hiện Công ty Petech đã bắt đầu triển khai sản xuất bếp nấu bằng năng lượng mặt trời. Bếp gồm một chảo parabol làm bằng inox với đường kính 1,5m, được đặt trên một giá đỡ. Toàn bộ hệ thống được thiết kế tự động để chảo có thể quay theo hướng di chuyển của mặt trời.

Ánh sáng do chảo parabol phản xạ được hội tụ vào vị trí lò nấu nên việc đốt nóng diễn ra nhanh hơn so với các loại bếp nấu khác, nhiệt độ lên đến 120-150OC (khoảng 15 phút là có thể nấu chín nồi cơm).

Ngoài ra, để tận dụng bếp “mặt trời” những lúc không cần nấu nướng, nhóm nghiên cứu cũng thiết kế bình chưng cất nước lợ gồm bộ ngưng tụ, hộp than hoạt tính để lọc nước.

Hơi nước sẽ đi qua bộ ngưng tụ hình xoắn ốc để cho ra nước ngọt, trung bình 10 lít nước mặn sẽ tạo được 7 lít nước ngọt.

Giá thành của một chiếc bếp năng lượng mặt trời là 950.000 đồng (loại parabol xoay tự động theo nắng mặt trời) và 450.000 đồng cho loại không tự động (người dùng phải tự xoay parabol theo hướng nắng). Nếu dùng bếp kèm theo bộ lọc nước tinh khiết loại 120 lít, giá thành sẽ là 2,5 triệu đồng/bộ.

Tuy nhiên, để sử dụng bếp nấu bằng năng lượng mặt trời, người nấu ăn phải... đội mũ và tất nhiên chỉ có thể nấu vào những lúc có nắng lớn. Hiện loại bếp này đã được đưa vào sử dụng và bán ở một số tỉnh như Bình Thuận, Lâm Đồng, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)...

THU THẢO

Thu nước ngọt từ nước biển bằng ánh nắng

Hệ thống lắp đại tại Bình Đại gồm 3 modul, mỗi modul có diện tích đón nắng 4m2

Các chuyên gia thuộc Viện Hoá học (Viện Khoa học-Công nghệ VN) đang triển khai ứng dụng trên thực tế công nghệ mới: cất nước biển bằng năng lượng mặt trời để lấy nước ngọt.

Hai hệ thiết bị thử nghiệm đã được lắp đặt tại Bến Tre. Một hệ được đặt tại ngư trường Bình Đại vào cuối tháng 8-2005, cung cấp 120-150 lít nước sạch mỗi ngày cho đội công nhân 8 người. Hệ còn lại, nhỏ hơn, được lắp đặt tại một hộ gia đình ở thị xã Bến Tre.

Ưu điểm của công nghệ này là chi phí đầu tư thấp, dễ sử dụng, tạo nước sạch cho cư dân ở nơi xa xôi, khan hiếm nước ngọt, sống phân tán và không có điện.

Công nghệ trên dựa vào nguyên lý làm bốc hơi nước biển để thu nước ngọt. Nước biển được đưa vào các bồn chứa. Phía trên bồn được che kín bằng mái kính trong suốt để đón ánh nắng. Nắng làm cho nước mặn bên trong nóng lên và bay hơi. Hơi nước bay lên gặp bề mặt phía dưới của mái kính sẽ ngưng đọng thành giọt, chảy vào thùng chứa. Kết quả là nước thu được sạch hơn cả nước mưa vì không bị nhiễm bụi bẩn từ khí quyển.

Tuy nhiên, hiệu suất của phương pháp trên thường thấp, chỉ thu được 2-3lít/ngày trên một mét vuông do thời gian có nắng trong ngày thường chỉ có 6-9 tiếng. Trên cơ sở nghiên cứu công nghệ tích trữ nhiệt bằng vật liệu chuyển pha trong gần 10 năm qua nên nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Tiến Tài, Phòng Vật liệu vô cơ, đã quyết định ứng dụng công nghệ này nhằm tăng hiệu suất của quy trình cất nước biển.

TS Tài tiết lộ vật liệu tích trữ nhiệt theo cơ chế chuyển pha mà nhóm sử dụng là một hợp chất sẵn có và rẻ tiền tại VN, có nguồn gốc từ sản phẩm dầu mỏ. Trong trường hợp này, chuyển pha có nghĩa là khi vật liệu nhận nhiệt thì nó mềm ra và khi toả nhiệt thì cứng lại.

Các chuyên gia đang lắp đặt hệ thiết bị cất nước biển bằng năng lượng mặt trời tại ngư trường Bình Đại, Bến Tre. Mặc dù đã khoan tới độ sâu 400m nhưng vẫn không tìm thấy nước ngọt ở đây. Còn nếu lắp đặt hệ thống lọc thẩm thấu ngược thì phải tốn vài trăm triệu đồng, không phù hợp vì dân cư sống phân tán
Được đặt trong thiết bị cất nước, vật liệu sẽ tích trữ nhiệt dư thừa từ ánh nắng ban ngày. Khi tắt nắng, vật liệu sẽ giải phóng lượng nhiệt đã tích được nhằm kéo dài quá trình cất nước.

Bằng cách này, nhóm đã thu được 8-10 lít/ngày trên mỗi mét vuông. Hiện nhóm tiếp tục cải tiến công nghệ để nâng hiệu suất lên 15-20lít/m2/ngày. Nhóm cũng dự định bổ sung một số chất vi lượng vào nước sau khi lọc vì nước cất theo kiểu này thường quá sạch.

Trong tháng 3 tới, công nghệ sẽ được thử nghiệm tại Thừa Thiên-Huế.

Sau khi hoàn thiện, nhóm sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà cho các địa phương chẳng hạn như hải đảo và các cùng khan hiếm nước ngọt.

Kỳ vọng của nhóm là giảm giá thành xuống còn 1 triệu đồng/m2 khi đưa vào ứng dụng đại trà.

Theo VietNamNet

Wednesday, February 15, 2006

Solar Thermophilic Anaerobic Reactor for Renewable Energy Production