Năng lượng Mặt Trời

Solar Energy

Sunday, November 13, 2005

Máy lọc nước, Khách sạn đầu tiên sử dụng năng lượng mặt trời


(11/8/2005 10:06:20 AM)

Chỉ cần sử dụng ánh sáng mặt trời, máy NCT-01 có thể biến nước mặn, nước bị ô nhiễm thành nước tinh khiết - Đó là sản phẩm do Kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu công nghệ mới thành phố Hồ Chí Minh chủ trì nghiên cứu.


Máy NCT-01 là một hệ thống gồm một hệ thống gương parabol có đường kính 1,5 mét, nồi chứa nước(nước mặn hoặc nước bị ô nhiễm), bộ ngưng tụ, hộp than hoạt tính để lọc nước. Gương parabol được tạo bởi 480 mảnh gương vụn dán trên một miếng tôn cong theo hình parabol, gương sẽ tự động xoay bắt bám theo mặt trời để tạo năng lượng đun nước. Sau đó hơi nước đi qua bộ ngưng tụ hình xoắn ốc để cho ra nước ngọt- trung bình 10 lít nước mặn sẽ tạo được 7 lít nước ngọt. Trường hợp sử dụng nước bị ô nhiễm, máy có thêm bộ phận hộp than họat tính tạo ra nước tinh khiết. Sau khi chế tạo , máy đã được sử dụng thử ở Lâm Đồng và Bình Thuận, những nơi rất thiếu nước ngọt vào mùa khô- đã được nhân dân rất hoan nghênh.


Kỹ sư Phan Trí Dũng rất tâm đắc với sản phẩm, vì nó giúp cho người dân ở vùng khan hiếm nước, nước bị ô nhiễm có nguồn nước tinh khiết để sử dụng và giá thành của máy lại rẻ, tiết kiệm được năng lượng. Nhân dân các địa phương trên đã đặt mua hàng trăm máy về để dùng tại nhà.


Phương Anh

TP Hồ Chí Minh: Khách sạn đầu tiên sử dụng năng lượng mặt trời
(11/5/2005 10:37:14 AM)

Khách sạn Sài Gòn (Cty Cổ phần Khách sạn Sài Gòn) tọa lạc trên đường Đông Du – một trong những con đường đẹp nhất trung tâm Sài Gòn. Khách sạn Sài Gòn với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn 3 sao và chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao nên địa chỉ này luôn là điểm dừng chân của nhiều khách phương xa mỗi lần tới thành phố. Năm 2004, doanh thu của Sài Gòn đạt 14 tỷ đồng và dự kiến năm nay là 17 tỷ đồng.


Tháng 6/2005, Khách sạn Sài Gòn làm nhiều người “giật mình” vì bỗng nhiên tháo toàn bộ máy đun nước nóng tại 100 phòng ngủ mang đi... bán. Từ đây, Khách sạn Sài Gòn bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, mang tên SOLAR–BK. Đây là sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng của Trung tâm nghiên cứu thiết bị nhiệt và năng lượng mới (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh). Khách sạn Sài Gòn là đơn vị lắp đặt quy mô công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại thành phố sử dụng thiết bị này.


Hệ thống SOLAR–BK gồm bồn chứa nước lạnh, thùng trữ nước nóng, tấm hấp thu nhiệt collector, van xả cặn, ống thông hơi được liên kết với nhau và hoạt động theo nguyên tắc đối lưu tự nhiên. Khi có bức xạ mặt trời, nước nóng trong collector nóng dần lên, những phân tử nước sẽ nóng không đồng đều. Sự chênh lệch nhiệt độ sẽ tạo nên chuyển động tự nhiên của các phân tử nước. Nước nóng sẽ chuyển lên thùng chứa và nước lạnh sẽ lại chảy vào collector, cứ như thế tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, nước trong thùng sẽ nóng dần lên. Từ đây nước sẽ được chuyển tới từng khu vực. Để phòng bị cho trường hợp nhiều ngày không có nắng, khách sạn đã sử dụng thiết bị cung cấp nhiệt tự động có cài đặt theo chương trình để bổ sung và ổn định nhiệt cho nguồn nước.


Tổng chi phí lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời là 400 triệu đồng. Hệ thống này tiết kiệm từ 70 – 80% lượng điện tiêu thụ, dự kiến chỉ sau 2 - 3 năm khách sạn sẽ “hoàn vốn” và sử dụng miễn phí trên 20 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tuổi thọ của thiết bị này cao gấp 2 lần so với máy đun nước nóng sử dụng điện, đồng thời có độ an toàn tuyệt đối (trong khi sử dụng thiết bị bằng điện vẫn có khả năng xảy ra sự cố). Thiết bị SOLAR–BK không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Khách hàng có nguồn nước nóng “thiên nhiên” 24/24h mà không phải làm một thao tác “thủ công” bật máy nước nóng và chờ ít nhất 5’ mới có thể sử dụng được. Nhiệt độ của nước luôn ở mức 45 – 60oC, không quá nóng, nhất là không gặp phải “sự cố” khi mạnh tay điều chỉnh quá độ nóng khi sử dụng thiết bị điện.Kỹ sư Huỳnh Mẫn Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật của Khách sạn Sài Gòn cho biết, từ lúc lắp đặt SOLAR-BK chúng tôi tuyệt đối yên tâm vì không lo gặp sự cố kỹ thuật điện, hệ thống đường điện cho 100 phòng đã được tinh giảm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thiết bị để có những điều chỉnh hiệu quả nhất.

Khách sạn Sài Gòn sử dụng nguồn năng lượng mới, không những tiết kiệm cho DN mà góp phần tiết kiệm nguồn điện cho đất nước. Thiết nghĩ mô hình này cần được nhân rộng vì đây là nguồn năng lượng vô tận để phát triển kinh tế và đời sống.

MT

Wednesday, November 02, 2005

Pin mặt trời giá rẻ sắp được sản xuất đại trà


11/2/2005 12:33:41 AM

Những chiếc pin mặt trời giá rẻ đầu tiên được làm từ nhựa tổng hợp sẽ được bán ra thị trường sau 5 năm tới. Đó là thông báo mới nhất của các nhà khoa học - những người đang ganh đua nhau ngày càng quyết liệt trong lĩnh vực này.

Thời "hoàng kim" của than, dầu mỏ và khí đốt đang dần trôi qua, mặc dù chậm chạp nhưng đó là tất yếu. Sớm hay muộn thì trữ lượng của chúng cũng sẽ cạn kiệt. Vậy phải thay chúng bằng gì? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, năng lượng mặt trời là thứ mà chúng ta phải chế ngự được để biến thành nhiệt năng và điện năng.

Ở đây bắt đầu xuất hiện vấn đề, bởi vì bất kỳ gia đình nào trang bị cho mình những chiếc pin mặt trời đều biết rõ cần phải đầu tư với chi phí cao như thế nào. Tại sao vậy? Bởi vì trong những chiếc pin truyền thống để lấy năng lượng mặt trời là những tinh thể thạch anh mà giá thành sản xuất chúng rất cao. Người ta tạo ra thạch anh ở nhiệt độ khoảng 1500 độ C trong chân không. Điều này đòi hỏi tốn nhiều năng lượng lấy từ những loại nhiên liệu truyền thống.

Tuy nhiên thạch anh không phải là thứ duy nhất. Còn cả nhựa tổng hợp nữa. Đúng hơn là những chất polyme dẫn điện, được khoa học biết đến từ một phần tư thế kỷ nay. Vào những năm 90 thế kỷ trước, người ta sử dụng chúng để sản xuất ra các đi ốt quang điện. Từ vài năm nay, các nhà khoa học thử nghiệm dùng nhựa tổng hợp để chế tạo pin mặt trời. Nếu như thành công thì đó là bước ngoặt lớn, là cuộc cách mạng trong khoa học bởi vì với giá thành rất rẻ mà chúng ta tiếp cận được với nguồn năng lượng phổ biến nhất, mà trữ lượng còn dồi dào cho hàng tỷ năm sau.

"Khác với thạch anh, polyme dẫn điện có thể được tạo ra trong nhiệt độ bình thường. Hơn nữa, lớp nhựa mỏng được sắp xếp nhờ kỹ thuật tương tự như kỹ thuật in, do vậy không tốn nhiều năng lượng - GS. Adam Pron thuộc trường ĐH Bách khoa Vacsava (Ba Lan), hiện đang làm việc ở Ủy ban năng lượng nguyên tử tại Grenoble (Pháp) - giải thích như vậy.

Những nghiên cứu tương tự hiện đang được thực hiện tại nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới, tuy nhiên mức độ cạnh tranh có thể thấy rõ ở Mỹ, nơi mà thậm chí các nhóm nghiên cứu khác nhau trong cùng một trường ĐH cũng ganh đua với nhau. Chẳng hạn như tại trường ĐH California, nhóm nghiên cứu của GS. Yang Yang vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí "Nature Materials" vào đầu tháng 10, thì mới đây, nhóm nghiên cứu của GS. Paul Alivisators ở Berkeley lại giới thiệu những phát hiện mới nhất trên tạp chí "Science".

Cả hai nhân vật trưởng nhóm là hai nhà bác học kiệt xuất. GS.Yang Yang là học trò của nhà bác học Alan Heeger, người được nhận giải Nobel năm 2000 về Hóa học vì đã phát hiện những tính chất khác thường của polyme dẫn điện (cùng với 2 nhà bác học khác là Alan McDiarmlid và Hideaki Shirakawa). Còn Alivisatos là chuyên gia hàng đầu về tinh thể nanô - những tinh thể đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ năng lượng mặt trời trên trái đất.

GS. Malgorzata Zagorska (Trường ĐH Bách khoa Vacsava - Ba Lan), hiện đang nghiên cứu tinh thể nano bán dẫn, giải thích: "Tinh thể nano là những vật thể có độ lớn từ một đến vài ba nano mét. Tinh thể nano phổ biến có hình cầu. Nó rất nhỏ. Quả bóng bàn nhỏ hơn trái đất bao nhiêu lần thì tinh thể nano hình cầu nhỏ hơn quả bóng bàn bấy nhiêu lần".

Chính Alivisator vào năm 2002 đã đề nghị đưa những sợi nano bán dẫn vào trong polyme. Ông cho rằng phương pháp này có thể tăng hiệu suất của pin mặt trời làm bằng nhựa tổng hợp. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là thậm chí những polyme dẫn điện tốt nhất (chẳng hạn như polyme P3HT) cũng không phân chia thật tốt điện tích dương và điện tích âm. Nói tóm lại nó không biết cách tạo ra dòng điện từ ánh sáng. Cần phải có thêm một thứ khác - chẳng hạn như tinh thể nano, để giúp polyme tạo dòng điện.

Sau khi Alivisators quyết định nhúng sợi nano hợp chất salen - cátmi (một chất bán dẫn tương tự như silic) vào nhựa tổng hợp, thì chiếc pin nguyên thủy của ông đạt hiệu suất 1,7%, nghĩa là có chừng ấy phần ánh sáng mặt trời biến đổi thành dòng điện. Như thế vẫn còn quá ít, ít hơn 10 lần so với hiệu suất một chiếc pin thạch anh cỡ trung bình; chưa nói đến những chiếc pin tốt nhất (và cũng đắt nhất) với hiệu suất đạt tới 35%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ lại những ưu điểm khi sử dụng pin bằng nhựa tổng hợp. Thứ nhất, giá thành sản xuất rất rẻ (đã đề cập ở trên). Thứ hai: pin bằng nhựa tổng hợp có tính tương thích cao. Chúng rất mỏng - lớp polyme chỉ dày có vài trăm nano mét - đồng thời rất dẻo. Do vậy có thể dùng chúng để phủ lên cửa kính, màn hình máy tính xách tay hoặc điện thoại di động; thậm chí có thể phun thứ hỗn hợp sản xuất ra điện từ ánh nắng lên quần áo. Nếu như chúng ta tăng được hiệu suất của thứ nhựa này thì chúng ta đã có trong tay thứ "động cơ gần như là vĩnh cửu" rồi. Vấn đề là tăng bằng cách nào?

Nhà khoa học ALan Heeger

Chính nhà khoa học ALan Heeger - người được giải Nobel, và cộng sự của ông là Serdar Saricftci đã đưa ra ý tưởng mới - đó là đưa fuleren vào nhựa tổng hợp. Được phát hiện vào năm 1990, fuleren là phân tử các bon cấu thành từ nhiều nguyên tử và tạo ra những hình dạng, cấu trúc không gian khác nhau: hình cầu, hình lò xo và hình ống. Fuleren C60 được tìm ra đầu tiên. Phân tử của nó gồm 60 nguyên tử các bon và trông như một quả bóng. Heeger và Sariciftci đã trộn lẫn chất phái sinh của fuleren C60 với nhựa tổng hợp và tạo được pin có hiệu suất 2%.

Phương pháp của họ sau đó đã được nhà khoa học Yang Yang hoàn thiện trong phòng thí nghiệm. Ông đã nâng được hiệu suất của pin fuleren nhựa lên 4,4%. Ông còn khẳng định, đây là chiếc pin tốt nhất trên thế giới và cho biết trong vòng 5 năm tới sẽ nâng hiệu suất của pin lên 10%. Ông nói: "Khi đó, có thể sản xuất đại trà những chiếc pin nhựa tổng hợp".

Tuy nhiên, GS. Yang Yang đã nhầm khi cho rằng chiếc pin do ông hoàn thiện là tốt nhất. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Mỹ thuộc hai trường ĐH New Mexico State và Wake Forest đã cho biết, họ áp dụng phương pháp tương tự như của GS. Yang Yang và đã sản xuất được chiếc pin có hiệu suất tới 5,2%. Thông tin khá hấp dẫn này đã được công bố trong cuộc hội thảo về công nghệ nano ở Santa Fe (Mỹ). Tuy nhiên các chi tiết cụ thể thì bị giấu kín với lý do đây là đơn đặt hàng của quân đội.

Trong thời gian này, nhà khoa học Alivisators đưa ra đề xuất khác và khá là bất ngờ. Ông đã kết luận rằng có thể thiết kế pin mặt trời mà hoàn toàn không cần nhựa tổng hợp, chỉ tinh thể nano selen - cátmi là đủ. Những chi tiết nghiên cứu đã được ông miêu tả trên tạp chí "Science" số ra gần đây. Mẫu pin mặt trời của ông có hiệu suất khoảng 3%. "Hiệu suất này còn nhỏ, nhưng xét về phương diện pin mặt trời selen cátmi đầu tiên trên thế giới thì hiệu suất này không đến nỗi tồi - Ông nhấn mạnh - Ưu điểm của nó là hiệu suất không giảm theo thời gian. Đây là vấn đề mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được đối với trường hợp pin bằng nhựa tổng hợp".

Giáo dục và đào tạo